Thứ Năm, 20 tháng 11, 2008

Symphony No. 2 in D major, Op. 43


Giao hưởng số 2 giọng rê trưởng, tác phẩm số 43

Bản giao hưởng này được Sibelius bắt đầu viết vào năm 1900 ở Rapallo, Italy và được hoàn thành vào năm 1902 ở Phần Lan. Bản giao hưởng này được công diễn lần đầu bởi Helsinki Philharmonic Society vào ngày 8 tháng 3 năm 1902 và được chỉ huy bởi chinh tác giả. Sau buổi công diễn này ông đã xem xét lại bản giao hưởng và bản sửa lại đầu tiên được biểu diễn bởi Armas Jarnefelt vào ngày 10 tháng 11 năm 1903 ở Stockholm. Bản giao hưởng có 4 chương thời gian biểu diễn xấp xỉ 45 phút, trong đó chương 3 và 4 chơi không nghỉ giữa chương:

  1. Allegretto - Poco allegro - Tranquillo, ma poco a poco ravvivando il tempo all'allegro - Poco largamente - Tempo I - Poco allegro
  2. Tempo andante, ma rubato - Poco allegro - Molto largamente - Andante sostenuto - Andante con moto ed energico - Allegro - Poco largamente - Molto largamente - Andante sostenuto - Andante con moto ed energico - Andante - Pesante
  3. Vivacissimo - Lento e soave - Tempo primo - Lento e soave - (attacca)
  4. Finale: Allegro moderato - Moderato assai - Meno moderato e poco a poco ravvivando il tempo - Tempo I - Largamente e pesante - Poco largamente - Molto largamente

Bản giao hưởng này không có chương trình. Ngoài ra Sibelius rất tích cực chống sự giải đoán bằng lời nội dung giao hưởng. Và hơn nữa xu hướng phát triển, mức độ duy trì cảm xúc của tác phẩm, toàn bộ những thủ pháp và những phương tiện thể hiện được áp dụng cho phép ta thấy nhận định rõ ý đồ của bản giao hưởng với sự rõ ràng khá đấy đủ và ý nghĩa chính của nó.

Bản giao hưởng số 2 trước tiên là một bức tranh cổ tích, sử thi đầy cảm hứng, chứa đựng những suy nghĩ về số phận nước Phần Lan, về quá khứ anh hùng của đất nước ấy, đống thời cũng là một bài thơ trữ tình mang màu sắc đồng quê, một bài ca đấy thích thú về vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên phương Bắc. đó cũng là một khúc tráng sĩ ca đầy quả cảm, ca ngợi sức mạnh và ý chí sắt đá của nhân dân.

Chương I - có thể xem như một phần mở đề phát triển, tính chất điềm tĩnh, “khách quan” của những đoạn đầu và cuối và màu sắc giản dị, tươi mát như khí trời ban mai của chủ đề chính “đồng quê” không có dấu hiệu gì để báo trước, cả những bùng nổ kịch tính lẫn những mâu thuẫn gay gắt… Tuy vậy, đển phần giữa của chương, không khí trở nên căng thẳng; những cấu trúc mới mẻ mang lại trong sự phát triển âm nhạc nhân tố lo âu, xao xuyến.

“Đầu mối mâu thuẫn”, trung tâm kịch tính của cả bản giao hưởng. Chương II, từ sự trần thuật trầm tĩnh, nghiêm nghị đến xung đột kích tính – con đường phát triển của các hình tượng trong chương này là như thế. Ở đây một cấu trúc giai điệu đi xuống, âm điệu truyền cảm khắc sâu vào ký ức người nghe, âm điệu vang lên thường suyên khi thì ở bộ đồng “cuồng bạo”, khi thì ở quãng âm cao của các nhạc cụ kèn gỗ…

Trong khúc Scherzo (chương III) giữ vai trò chủ yếu gồm chính sự chuyển động, bước đi cầu kỳ của các tuyến giai điệu và màu âm. Âm nhạc không ngừng bay bổng bị đứt quảng hai lần, giai điệu giản dị, chất phác, hồn nhiên và biểu cảm cả oboe hiện lên rõ rệt. Không nghi ngờ gì được về tính chất dân tộc của giai điệu ấy, cũng như trong các bài dân ca Phần Lan, ở đây tác giả sử dụng thủ pháp nhắc lại bội số 3 của một âm, cả lối “phát âm” đặc biệt một tiết nhạc – thánh thót, khoan thai, chững chạc, vang lên những âm điệu giống với ngôn ngữ tráng sĩ ca…

Scherzo sôi nổi đổ dồn về chương Final (chương cuối) – cảnh tượng tưng bừng của ngày hội dân gian. Đã qua rồi những hoài nghi, những gian truân, đau khổ! Cả hai chủ đề của chương Final đều thuần chất, bình dị và biểu cảm một cách lạ thường. Về tính chất, hai chủ đề này gần gũi với những làn điệu dân ca, trong hình dáng âm điệu của chúng có thể nhận rõ những cách luân chuyển điển hình của dân ca Slav. Phát triển một cách chặt chẽ và làm phong phú lẫn nhau, những chủ đề ấy mang lại cho chương cuối những nét của khúc ca ngợi huy hoàng rực rỡ.

Thật thú vị là giữa các chương của bản giao hưởng không có những mối quan hệ gần gũi cả về chất liệu chủ đề lẫn ước lệ hình tượng. Chúng được liên kết lại bởi một trục kịch xuyên suốt duy nhất. Cuôc diễu hành chiến thắng của chương cuối – kết quả cuối cùng mà sự phát triển phải đến. Sibelius không sử dụng những đối sánh gây ấn tượng mạnh của các chương trong liên khúc. Mặc dù có sự khác biệt rõ rệt và thậm chí phân rõ ranh giới của các môi trường giao hưởng (đồng quê – chuyện bi kịch sử thi – Scherzo vui tươi – Final huy hoàng, lộng lẫy), vẫn “soi rõ” được ẩn ý của âm nhạc. Vì rằng chương I không chỉ là khúc đồng quề, mà còn là sự chuẩn bị trước cho xung đột kịch tính của chương II, và vì chương III - không chỉ là khúc scherzo vô tư, nhởn nhơ, mà còn là một bức tranh phong phú, kết hợp thành một khối hai mảng hình tượng – cảm xúc, vì lẽ chương cuối cùng một lúc vừa là kết luận, tổng kết toàn bộ sự phát triển trước đó, vừa là một khúc ca mộc mạc giản dị như dân gian, lớn lên đến quy mô của một màn kết hùng vĩ. Và tuy nhạc sĩ không sử dụng trong bản giao hưởng (cũng như trong tác phẩm khác), một giai điệu nào thực sự Phần Lan – torng âm nhạc của bản giao hưởng, với sự rõ ràng tột độ vẫn thể hiện được cả tính chất hùng vĩ của thiên nhiên phương Bắc lẫn tính chất sử thi hùng tráng của huyền thoại và cổ tích của nhân dân Phần Lan.

Nguồn: Wikipedia; “Dành cho những người nghe nhạc giao hưởng” bởi Nguyễn Cửu Vỹ

Không có nhận xét nào: